Trong mỗi ngôi nhà, dù được thiết kế kỹ đến đâu cũng không tránh khỏi những chỗ góc chết khó xử lý khi kê sắp đồ nội thất, gây hiệu quả thẩm mỹ kém; hoặc không khai thác được, hoặc bất tiện khi sử dụng.
Đó là những góc phụ (hay một số trường hợp còn gọi những góc chết). Trù liệu trước được khi thiết kế để có những giải pháp kiến trúc – kỹ thuật tốt là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng chủ động được điều này. Khi đó giải pháp thiết kế nội thất – dù chỉ là sắp đặt cũng tạo nên những hiệu quả nhất định để làm sống lại góc chết
Góc phụ – thử điểm danh
Những góc phụ trong nhà có thể xuất hiện do những lý do khách quan, hay hệ quả của những yêu cầu khi thiết kế gây ra. Đó có thể là một khoảng méo do hình dáng đất xây dựng; có thể là hệ quả của những góc xoay theo yêu cầu hướng của phong thuỷ; đó cũng có thể là sự “chưa tới nơi tới chốn” của việc kê đặt nội thất và thiết bị…
Phía dưới giếng trời cạnh cầu thang, nhưng lại là mái của phòng vệ sinh phía dưới, có chức năng vườn cảnh rất bắt mắt.
Tuy nhiên, cũng có những góc phụ được coi là hiển nhiên tồn tại, song hành cùng công trình từ khi thi công cho tới… suốt đời. Đó là gầm cầu thang, là trần kỹ thuật, nhà vệ sinh, khe hẹp sau những cánh cửa…, hay ở những nhà mái dốc là tầng áp mái – nhất là nơi giao mái với tường biên (thấp nhất).
Trong rất nhiều những góc phụ mà ta vẫn hay gọi là “góc chết” như thế, có lẽ gầm cầu thang xứng đáng đứng ở vị trí số một. Đây là cái góc không thể thiếu, không thể bỏ, trừ khi nhà chỉ có một tầng trệt. Gầm cầu thang luôn gây ra những khó chịu về thẩm mỹ và các phiền toái khác khi sử dụng hay vệ sinh, là nơi cư trú của nhiều loại côn trùng gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường sống.
Những diện tích sàn nhỏ, không đủ thành phòng, nhưng lại chênh cốt hay nằm cuối tuyến giao thông (ít có tác dụng giao thông) cũng có thể là các góc phụ, góc chết. Có lẽ cần phân biệt những góc sang như thế này với sàn nhà hay ban công. Sàn nhà hay ban công không nên coi là phụ, là “chết” bởi nó là một thành phần quan trọng của cả hình thức và công năng kiến trúc; là một kết cấu bao che, lớp trung chuyển rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới.
Phần còn lại, khoảng trống còn lại khi kê đồ nội thất, thiết bị; gây ra nhiều góc phụ, tuy không nghiêm trọng nhưng lại… lắt nhắt. Một chiếc tủ lạnh hụt so với ô chờ sẵn, một chiếc bồn tắm chưa “với” tới biên tường nhà vệ sinh; hai chiếc ghế “đấu” vuông góc để lại một ô trống ở góc phòng… là những trường hợp ta thường thấy rất cụ thể. Những công trình cũ được cải tạo hay đụng phải chuyện này do không tính trước được, cùng sự thay đổi nhu cầu và tính năng, kích thước trang thiết bị.
Phụ hay là “chết”?
Thật ra, góc phụ, hay “góc chết” chỉ là một cách nói rất… dân gian và linh hoạt về những trường hợp như vừa liệt kê; chính danh kiến trúc hẳn không có từ đó. Một kiến trúc chuẩn mực thì cái gì cũng phải có ý nghĩa của nó, có mối quan hệ hữu cơ giữa hình thức và công năng. Không cái gì hiện diện và tồn tại vô lý cả. Nhưng đó chỉ là điều lý tưởng khi mà mảnh đất xây dựng không bị bó buộc, kỹ thuật đáp ứng được hết các yêu cầu kiến trúc và kinh tế không bị hạn chế. Thực tế, trong thể loại nhà ở gia đình và trong bối cảnh xã hội của ta còn quá nhiều những hạn chế nên mới có chuyện kia!
Vậy thì, góc phụ (không phải là chính) có ý nghĩa không? Nếu không có ý nghĩa thì có phải là “chết” không? Góc phụ và “góc chết” có thể coi như nhau không? Lâu nay ta vẫn nói chung chung về những góc này, nói tới góc phụ – ngầm hiểu là góc chết, là chỗ xấu xí, hay không làm gì được, không khai thác được. Có lẽ vì vậy mà nhiều góc phụ không được tận dụng mặc dù hoàn toàn có thể tận dụng hiệu quả về cả mặt công năng và hình thức.
Quan điểm của người viết bài cho rằng: góc phụ là những góc có ý nghĩa nhất định về diện tích và không gian, có khả năng khai thác, thậm chí góc phụ có thể là chủ định thiết kế tạo ra; còn góc chết là những yếu tố khách quan bất khả kháng, những lỗi hay bất cập của thiết kế – thi công hay trong quá trình sử dụng. Góc phụ có thể “chết” và không “chết”. Tuy nhiên “góc chết” cũng không phải là hết.
Những góc phụ, thì cần khai thác; còn góc chết thì cần hoá giải.
Nhưng có lẽ câu trả lời cuối cùng chính là những giải pháp vào từng tình huống cụ thể.
Tận dụng và hoá giải
Gần đây, việc khai thác và giải quyết triệt để những góc phụ; góc chết là một xu hướng lan rộng, tích cực. Lý do là người ta đầu tư cho thiết kế – đặc biệt là thiết kế nội thất nhiều hơn; khả năng kinh tế cũng dồi dào hơn và có nhiều vật liệu; kỹ thuật để có thể đáp ứng được các giải pháp thiết kế.
Nếu khéo léo và có sự tính toán trước khi thiết kế kiến trúc; thì việc tận dụng các góc phụ sẽ hợp lý, đỡ tốn kém hơn, và thuận tiện khi vận hành. Việc xử lý các góc chết cũng tương tự như vậy.
Khu vực trần kỹ thuật trên phòng vệ sinh theo cách làm trước kia; hay được đổ bản bêtông để tận dụng làm kho. Tuy nhiên cái kho này tiếp cận rất khó (phải bắc thang, ghế chui vào); vào trong rồi cũng khó xoay xở, và tối om. Vậy nên thực tế kho hầu như để không vì quá phức tạp cho việc cất/lấy đồ. Cũng vì lý do đó nên bình nước nóng vẫn đặt lộ ra dưới trần nhà vệ sinh; vừa thiếu thẩm mỹ và có thể bị vướng.
Những chỗ tường bị lồi ra do cột, vách bêtông – đặc biệt ở nhà chung cư cao tầng; có thể xử lý bằng những vách nhẹ, các giá kệ, tủ âm tường để làm hợp lý mặt bằng; tránh sự vô duyên và không thoải mái khi sử dụng. Giải pháp này vừa có tác dụng trang trí, vừa tận dụng để để đồ. Những chỗ thiếu hụt do kê sắp đồ cũng có thể làm tủ, giá để xoá bỏ những khoảng thừa.
Những trường hợp hơi bị lỡ về vị trí, diện tích… trong bố trí nội thất hoàn toàn có thể hoá giải bằng các giải pháp linh hoạt; và nhẹ nhàng như đặt bình hoa, chậu cây cảnh, tượng hay các vật trang trí khác; để cân bằng bố cục và làm tăng tính thẩm mỹ cho không gian.
Có lẽ, điều quan trọng khi tìm cách tận dụng những góc phụ; và hoá giải những góc chết là phải làm khéo léo và thật tự nhiên, đừng khiên cưỡng. Khi ấy ắt có hiệu quả!
Trả lời