Bê tông xốp (hay bêtông tổ ong) là vật liệu đá nhân tạo có rất nhiều lỗ rỗng nhỏ, lớn dạng lỗ (hố) với các dạng mao dẫn khác nhau. Bê tông xốp có được do quá trình cứng rắn hay hóa hợp thủy nhiệt của hỗn hợp xi măng, của chất kết dính hỗn hợp hay chất kết dính vôi – cát, được trộn với nước và tạo rỗng, cùng với các loại vi cốt liệu phân tán khác nhau. Khi gia công nhiệt ẩm các cốt liệu này tác dụng tương hỗ tích cực với vòi và các sản phẩm thủy hóa của xi măng.
Phân loại bê tông xốp
Bê tông xốp được phân biệt :
Theo dạng của chất tạo rỗng được dùng
- Gasbêtông (bê tông khí) và gassilicát (silicát khí). Các lỗ rỗng của chúng được tạo ra nên do sự nở phồng của khối bởi các gas được tách ra trong thời gian ninh kết của nó.
- Bê tông bọt và silicát bọt (các lỗ rỗng được tạo nên nhờ các bọt của khối được tạo bọt hay trộn nó với bọt đã được chế tạo trước).
- Gasbêtông bọt và gassilicát bọt (các lỗ rỗng được tạo nên bởi sự nở phồng của khối đã được tạo bọt).
Theo loại chất kết dính được dùng
- Gasbêtông và bê tông bọt được chế tạo với việc dùng xi măng pooclăng, xi măng nefelin hay xi măng xỉ với phụ gia hay không có phụ gia vôi và thạch cao.
- Gassilicát và silicát bọt (silicát xốp) với việc dùng vôi trong hỗn hợp với thạch cao hay không có nó (hàm lượng cho phép clinker xi măng không quá 10%).
- Thạch cao khí và thạch cao với việc dùng thạch cao.
- Manhêzít khí và Manhêzít bọt với việc sử dụng chất kết dính Manhê.
Nếu như trong hỗn hợp (khối) xốp có chứa tro hay xỉ, thì các loại vật liệu được chế tạo như thế được gọi là bê tông tro khí, bê tông xỉ khí, bê tông tro bọt,…
Chúng ta còn biết nhiều bê tông xốp với các loại cốt rỗng khác nhau. Ví dụ, bê tông kêrămzít, bê tông đá bọt, bê tông aglôporít cứng rắng trong điều kiện nhiệt độ thường cũng như trong các thùng chưng hấp (áptôclap).
Theo đặc trưng cứng rắn
- Cứng rắn tự nhiên (trong rất nhiều trường hợp quá trình cứng rắn như thế không kinh tế do thời gian của nó quá dài và biến dạng co ngót lớn).
- Cứng rắn dưới áp suất thường, trong các bể dưỡng hộ, trong các khuôn nhiệt (đốt nóng tiếp xúc), trong các khuôn đặc biệt với đốt nóng bằng điện,…
- Cứng rắn do thủy hóa của xi măng pooclăng hay hóa hợp thủy nhiệt (trong trường hợp dùng các cấu tử vôi – cát nghiền trong các thùng chưng hấp áp lực cao).
- Cácbonát hóa, cứng rắn trong các buồng kín dưới tác dụng của khí cacbôníc.
- Cứng rắn hỗn hợp, nghĩa là kết hợp các phương pháp trên.
Các loại bê tông xốp có khối lượng thể tích ở trạng thái sấy khô đến khối lượng không đổi (kg/m³) : cách nhiệt 500 – 600, cách nhiệt – kết cấu – từ 500 đến 900 và kết cấu 900 đến 1200. Bê tông xốp với khối lượng thể tích dưới 350 kg/m³ thuộc vật liệu xây dựng nhẹ cách nhiệt, còn với khối lượng thể tích 400 – 600 kg/m³ thuộc vật liệu cách nhiệt nặng.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phẩm chất của bê tông xốp và silicát xốp.
Để đánh giá khách quan về sự đúng đắn của cấp phối được lựa chọn của bê tông xốp, của các thao tác và chế độ công nghệ khi chế tạo nó, người ta áp dụng mô hình toán học với việc sử dụng các phương pháp toán – thống kê của quy hoạch thực nghiệm. Nhưng thậm chí với điều kiện mô hình toán học thì cũng cần phải chế tạo trên 45 seri mẫu, khác biệt nhau theo các tham số khác nhau.
Việc chế tạo bê tông xốp và silicát xốp, cũng như các loại bê tông khác (bê tông nặng, bê tông nhẹ, bê tông chịu nhiệt,…) với độ đồng nhất cao có ý nghĩa rất lớn đối với việc sản xuất các cấu kiện chất lượng cao.
Bảng độ ẩm và độ hút nước của các loại bê tông xốp
Khối lượng thể tích kg/m³ | Lượng ẩm hấp thụ theo thể tích ở độ ẩm tương đối của không khí, % theo khối lượng | Độ ẩm theo thể tích qua 3 – 4 ngày đêm ngâm từ từ trong nước | |||||
40 | 60 | 80 | 97 | 100 | Dùng cốt liệu silíc oxit | Dùng tro | |
300 | 0.7 | 1.1 | 1.5 | 2 | 3.1 | 21 | 30 |
500 | 1.4 | 1.8 | 2.9 | 6.2 | 9.4 | 26 | 36 |
700 | 2 | 2.6 | 4 | 8.5 | 12 | 30 | 41 |
900 | 2.8 | 3.4 | 5.2 | 12 | 16 | 35 | 45 |
1000 | 3.2 | 3.8 | 6 | 13 | 18 | 38 | 48 |