Phương pháp xây dựng mặt cắt đứng của biểu đồ tương tác
Mặt cắt đứng của biểu đồ tương tác chính là đương biểu diễn khả năng chịu lực của tiết diện theo một phương nào đó.
Chúng ta xác định ứng suất cốt thép dựa trên vị trí của đường giới hạn vùng nén. Với mỗi một vị trí đường giới hạn vùng nén được giả thiết, ta xác định được một trạng thái ứng suất của tiết diện, và từ đó tìm ra được một cặp (N,M) biểu thị khả năng chịu lực của tiết diện.
Đường giới hạn vùng nén có phương vuông góc với mặt phẳng uốn.
Phương trình biểu diễn đường giới hạn vùng nén có dạng: y=a.x + b, trong đó “a” được xác định dựa vào phương của điểm đặt lực (tính từ gốc của hệ trục quán tính chính trung tâm), “b” là hệ số xác định vị trí của đường này – chính là điểm giao cắt giữa đường giới hạn vùng nén và trục Y. Ứng với các giá trị khác nhau của “b” chính là các trạng thái ứng suất khác nhau khi tiết diện bị uốn theo một phương nào đó.
- Khi b = b1: Toàn bộ tiết diện chịu kéo (không xuất hiện vùng nén)
- Khi b = b2: Toàn bộ tiết diện chịu nén (không xuất hiện vùng kéo)
- Khi b = bi : Các trạng thái trung gian.
Để dựng được biểu đồ tương tác, ta lần lượt cho “bi” chạy từ “b1″đến “b2”, quá trình này cho ta các cặp (Ni,Mi) trên đồ thị, nối các điểm này lại ta được biểu đồ tương tác biểu diễn khả năng chịu lực của tiết diện theo một phương uốn nào đó.
Như vậy, quá trình kiểm tra khả năng chịu lực của tiết diện khi chịu ngoại lực (N,M) như sau:
- Xác định phương của điểm đặt lực.
- Xác định hệ số “a” của phương trình y = ax + b.
- Xác định các hệ số “b1” và “b2” dựa vào tọa độ của các góc của tiết diện.
- Cho “bi” nhận các giá trị trong khoảng “b1” và “b2”.
- Ứng với mỗi giá trị “bi”, xác định cặp nội lực (Ni,Mi).
- Vẽ biểu đồ tương tác.
- Xác định hệ số an toàn.
Cách xác định thành phần lực dọc và mô men do bê tông đóng góp (Nb,Mb):
Việc xác định diện tích và trọng tâm vùng nén của tiết diện theo các phương trình hình học là rất khó khăn do số lượng trường hợp tương đối nhiều đặc biệt với các tiết diện có hình dạng phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta sử dụng phương pháp gần đúng bằng cách chia nhỏ tiết diện.