DMCA.com Protection Status
preloader

YÊU CẦU KỸ THUẬT KHI ĐỔ BÊ TÔNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Bê tông một trong những yếu tố quyết định tính bền vững tuổi thọ của công trình. Công tác kỹ thuật đổ bê tông tốt và chất lượng bê tông cao sẽ hình thành một công trình bền vững với thời gian.

Khái quát về vật liệu xây dựng bê tông

Bê tông là một loại đá nhân tạo, được hình thành bởi việc trộn các thành phần: Cốt liệu thô, cốt liệu mịn, chất kết dính,… theo một tỷ lệ nhất định (được gọi là cấp phối bê tông). Trong bê tông, chất kết dính (xi măng + nước, nhựa đường, phụ gia…) làm vai trò liên kết các cốt liệu thô (đá, sỏi,…đôi khi sử dụng vật liệu tổng hợp trong bê tông nhẹ) và cốt liệu mịn (thường là cát, đá mạt, đá xay,…) và khi đóng rắn, làm cho tất cả thành một khối cứng như đá.

Có các loại bê tông phổ biến là: bê tông tươi, bê tông nhựa, bê tông Asphalt, bê tông Polime và các loại bê tông đặc biệt khác



Về sức bền vật lý, bê tông chịu lực nén khá tốt nhưng khả năng chịu lực kéo không tốt lắm. Vì vậy, trong xây dựng các công trình, các vật liệu chịu lực kéo tốt ( ví dụ như thép) được sắp xếp để đưa vào trong lòng khối bê tông, đóng vai trò là bộ khung chịu lực nhằm cải thiện khả năng chịu kéo của bê tông.

Loại bê tông có phần lõi thép này được gọi là bê tông cốt thép. Các tác động khác như đóng băng hay nước ngấm vào trong bê tông cũng có thể gây ra hư hại cho loại vật liệu này.

Bê tông được sử dụng rộng rãi trong xây dựng các công trình kiến trúc, móng, gạch không nung hay gạch block, mặt lát của vỉa hè, các cấu trúc trong bãi đỗ xe, hàng rào, cột điện và thậm chí là thuyền.





Yêu cầu kỹ thuật chung khi đổ bê tông

Yêu cầu kỹ thuật đối với đổ bê tông trộn tay

Đối với bê tông trộn tay thì nguyên vật liệu đầu vào phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật. Cát và đá phải đảm bảo TCVN 7570:2006, Cốt liệu cho bê tông và vữa – yêu cầu kỹ thuật. Xi măng đảm bảo theo tiêu chuẩn TCVN 6260:1997, xi măng pooc lăng hỗn hợp – yêu cầu kỹ thuật.

Vật tư
  • Khi xi măng nhập về công trình, kỹ sư cùng với giám sát kiểm tra chứng chỉ chất lượng của lô xi măng và lập biên bản nghiệm thu vật tư. Lưu ý sắp xếp xi măng trong kho theo nguyên tắc “vào trước thì phải lấy ra dùng trước”.
  • Khi một nguồn cát, đá nhập về công trình thì kỹ sư cùng với giám sát kiểm tra chất lượng so với mẫu đã trình. Các bên tiến hành lập biên bản lấy mẫu để gửi đi thí nghiệm xác định các chỉ tiêu kỹ thuật của vật tư.
  • Ngoài ra nước thi công phải đảm bão về yêu cầu kỹ thuật. TCVN 4506-87, nước cho bê tông và vữa – Yêu cầu kỹ thuật.
  • Đơn vị thí nghiệm là đơn vị tư vấn độc lập do đơn vị thi công đệ trình và được sự chấp thuận của tư vấn giám sát hoặc chủ đầu tư. Khi tiến hành thí nghiệm phải có sự theo dõi đầy đủ của các bên.
  • Căn cứ vào kết quả thí nghiệm để xác định nguồn vật tư cát, đá nhập về công trình có được sử dụng cho công trình hay không và thiết lập cấp phối trộn.
Cấp phối trộn và cách trộn;
  • Căn cứ trên kết quả thí nghiệm cát, đá phòng thí nghiệm sẽ thiết kế bảng cấp phối trộn cho từng loại mác bê tông.
  • Tính toán quy đổi cấp phối bê tông theo mẽ trộn (bao xi măng) và trình giám sát duyệt.
  • Dán bảng quy đổi cấp phối tại các vị trí trộn.
  • Đong cát, xi măng theo khối lượng vừa tính toán (xi măng theo bao, cát được xác định bằng thùng nhựa 20 lít hoặc tùy trường hợp tính toán quy đổi phù hợp).
  • Dùng máy trộn vữa ;
  • Thời gian trộn: 5~10 phút 1 mẽ trộn.

Yêu cầu kỹ thuật đối với đổ bê tông tươi

  • Bê tông tươi khi nhập về công trình cần đảm bảo các điều kiện kỹ thuật về mác bê tông, độ sụt, nhiệt độ, thời gian từ lúc xuất xưởng và khi đến công trường.
  • Thời gian: Giờ xuất xưởng ghi trên phiếu và giờ đổ bê tông ra cấu kiện không vượt quá 120 phút.
  • Mác bê tông: So sánh với thiết kế của cấu kiện và phiếu giao hàng.
  • Độ sụt: Thử độ sụt bê tông so với phiếu giao hàng. Bê tông được đổ vào nón sụt 3 lần, mỗi lần đầm 15 cái bằng thanh thép tròn đường kính 14, sau đó gạt phẳng và rút nón thử trong thời gian 5+-2s, dùng thước đo kiểm tra độ sụt.
  • Nhiệt độ bê tông: Nhiệt độ bê tông tại thời điểm đổ không nên vượt quá 30 độ.
  • Lấy mẫu:Lấy mẫu bêtông (3 khối 15x15x15cm) cho mỗi đợt 20m3 thực hiện; có dán ký hiệu riêng để đánh dấu trên mẫu và khu vực đổ bê tông trên bản vẽ.
  • Ký hiệu yêu cầu đủ các thông tin:

Giáp mối giữa các vùng đổ bê tông

Khi đổ bê tông trên diện tính lớn cần tính toán vùng đổ sao cho giáp nối giữa các vùng trong cùng đợt đổ không bị trường hợp “vùng bê tông đổ trước đã bắt đầu ninh kết (bê tông bắt đầu khô) nhưng vùng bê tông đổ sau chưa đổ đến kịp”. Điều này phụ thuộc rất lớn vào hướng đổ bê tông và phân chia vùng đổ bê tông trong cùng đợt.

  • Trong trường hợp đổ sàn bằng nhiều bơm phải sắp xếp bơm và hướng đổ bê tông hợp lý; nếu diện tích sàn quá lớn tùy theo tình hình có thể phân chia mạch ngừng đổ bê tông.
  • Thời gian chờ giáp mối của vùng đổ không nên vượt quá 60 phút và còn tùy thuộc vào thời tiết khi đổ bê tông.
  • Tham khảo tiêu chuẩn 4453-1995,Kết cấu bêtông và bêtông cốt thép toàn khối – Quy phạm thi công và nghiệm thu.

Đầm dùi

Quá trình đổ bê tông phải được đầm liên tục và đều khắp vị trí đổ để bê tông không bị rỗ;

  • Cột, vách: Đổ vào chân cột; chân vách 1 lớp cao 30cm-40cm đầm kỹ sau đó tiếp tục đổ và đầm từng lớp 60cm-80cm cho đến cao trình dừng. Khi đầm lớp vừa đổ thì chày đầm dùi cắm vào lớp trước 20cm. Khi nào nước bê tông nổi đều trên tiết diện cột, vách thì ngừng đầm và đổ lớp tiếp theo. Tránh đầm quá nhiều làm bê tông phân tầng và ảnh hưởng đến cóp pha.
  • Dầm sàn: Đối với dầm sàn có chiều cao lớn phải đổ và đầm bê tông theo từng lớp; trên sàn phài được cào bê tông và đầm đều (cào bê tông đến đâu đầm theo đến đó).
  • Cầu thang: Đây là cấu kiện rất dễ bị rỗ do đó cần lưu ý khi đổ và đầm. Khi đầm bê tông phải kết hợp với cào và vuốt bê tông để hạn chế chảy bê tông. Khi bê tông đã ổn định nên kết hợp dùng búa gõ lại trên bề mặt cóp pha.

Bề mặt bê tông: đúng cao độ, bề mặt phẳng đều

  • Đối với cột, vách cao độ đừng đổ phải được đánh dấu lên thép hoặc cóp pha.
  • Đối với sàn kiểm tra cao độ trong quá trình đổ bê tông bằng máy thủy bình và mia. Khi bê tông đã được cào trên mặt bằng thì người cầm mia khoanh vùng (đường kính 20cm) vị trí cần đánh dấu cao độ bằng bàn chà; dùng mia đặt lên vị trí khoanh vùng và đọc chỉ số so với cao độ chuẩn. Chỉnh sửa cao độ đến khi đạt cao độ chuẩn; khoảng cách giữa các vùng làm dấu móc thường cách đều 2m về 2 phương.
  • Phải che chắn bề mặt bê tông khi trời mưa. Trong trường hợp trời mưa quá lớn buộc phải dừng công tác đổ bê tông; thì cần xem xét đến vị trí mạch ngừng; xin ý kiến giám sát và tham khảo TCVN 4453-1995.

Bảo dưỡng bê tông: Bão dưỡng bê tông trong thời gian 7 ngày

  • Trong điều kiện bình thường. Ngay sau khi đổ 4 giờ nếu trời nắng ta phải tiến hành che phủ bề mặt để tránh hiên tượng ‘trắng bề mặt’ bê tông rất ảnh hưởng đến cường độ
  • 3 ngày đầu phải tưới nước thường xuyên để giữ ẩm, khoảng 3 giờ tưới 1 lần; ban đêm ít nhất 2 lần, những ngày sau mỗi ngày tưới 3 lần.
  • Tưới nước dùng cách phun (phun mưa nhân tạo) bằng bình xịt; không được tưới trực tiếp lên bề mặt bê tông mới đông kết. Nước dùng cho bảo dưỡng, phải thoả mãn các yêu cầu kỹ thuật như nước dùng trộn bê tông.
  • Với sàn mái có thể bảo dưỡng bằng cách xây be, bơm 1 đan nước để bảo dưỡng. Trong suốt quá trình bảo dưỡng, không để bê tông khô trắng mặt.
  • Không được tác động lên kết cấu vừa đổ bê tông như ném thiết bị lên sàn…

Phương pháp thi công đổ sàn bê tông tiêu chuẩn

Lấy cốt sàn

Việc lấy cốt sàn được thực hiện theo phương pháp đo mực nước chuẩn hiện hành. Sàn cần có cốt thấp nhất là cốt 0 theo mức chuẩn của từng địa phương.

Đổ bê tông

Thực hiện đổ bê tông theo mác và độ dày theo thiết kế. Tùy theo dạng bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) hay trộn theo mẻ; ta sẽ thu được các loại sàn có độ ổn định khác nhau. Bê tông tươi được trộn theo tỉ lệ thành phần chuẩn; và trộn nguyên khối nên độ ổn định vữa cao hơn bê tông trộn tay theo mẻ nhỏ. Vữa bê tông tươi có độ ổn định cao; lượng nước vừa đủ, giảm hiện tượng tạo bọt trên bề mặt bê tông. Sau khi gạt lấy phẳng; chờ cho đến khi bề mặt vữa có thể đi lại được (độ cứng xuyên kim khoảng 1mm); mới tiến hành xoa- tạo phẳng bằng máy mài.

Trong quá trình xoa lấy phẳng cần tránh không nên rắc hỗn hợp cát xi măng mác cao; hoặc xi măng không do có thể gây tăng mác bê tông mặt làm giảm khả năng thấm sơn của bề mặt bê tông. Đối với bê tông trộn thủ công; do tỉ lượng nước/ xi măng/ cát không ổn định nên rất dễ gây hiện tượng nứt giữa các khối; thừa nước- nổi bọt, lệch cốt nền. Khi đó cần tiến hành đổ lớp vữa gạt mặt.

Gạt vữa bề mặt sàn trong kỹ thuật thi công đổ bê tông

Trong trường hợp buộc phải đổ thủ công, do tỉ lượng các hợp phần bê tông khác nhau; nên khó có thể đảm bảo độ đồng đều, nên sau khi đầm dùi và đầm bàn; ta chờ cho khối bê tông tăng cứng một phần rồi tiến hành gạt vữa mặt (xi măng/ cát= 1/3 đến 1/4); xoa bằng bàn xoa thủ công hoặc máy xoa. Tuy nhiên trước khi tiến hành xoa tạo phẳng cần kiểm tra độ cứng của vữa gạt mặt.

Cần tránh không để thừa nhiều nước; hoặc tiến hành xoa khi bề mặt sàn còn ướt sẽ gây nổi xi măng gây hiện tượng mác bề mặt quá cao; hoặc cháy xi măng cục bộ; cả 2 trường hợp đều gây hiện tượng kém hấp thu sơn trên bề mặt bê tông. Lớp vữa gạt mặt có thể tiến hành thi công trong vòng 24h sau khi đổ bê tông để đảm bảo kết cấu giữa các lớp. Trường hợp lớp bê tông đổ trước đã đạt độ cứng tối đa (sau 28 ngày); thì phải sử dụng phụ gia tăng dính để đảm bảo liên kết giữa lớp vữa mới và bê tông cũ.

Bảo dưỡng sàn bê tông

Sau khi đổ xong, cần tiến hành dưỡng hộ trong thời gian 28 ngày (không có phụ gia); hoặc ngắn hơn nếu sử dụng phụ gia thủy hóa nhanh. Trường hợp sàn cũ đổ thêm lớp vữa mặt; thời gian chờ thủy hóa là khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Trong thời gian bảo dưỡng; có thể tiến hành mài tạo phẳng (ướt hoặc khô) bằng đá mài hoặc giấy nhám. Tránh sử dụng các loại máy có trọng lượng lớn hoặc các va đập mạnh trên bề mặt. Đối với trường hợp bề mặt không đủ độ nhẵn; có thể sử dụng hỗn hợp bột trám vá để tạo phẳng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

User Login

Lost your password?
Cart 0
0985208275
Liên hệ